Ông Võ Văn Bảo (Ông Tư Bảo) : ông tổ làm ra cây kềm làm móng Việt Nam ngày nay.

Ngày đăng: 04:05 PM 24/05/2017 - Lượt xem: 1372

 Ông Tổ của nghề kềm làm móng Tỉnh Bến Tre:                                

  

 

Ông Võ Văn Bảo (Ông Tư Bảo) là ông tổ làm ra cây kềm làm móng Việt Nam ngày nay. 

 

Đấy là Ông Võ Văn Bảo (Ông Tư Bảo) sinh năm 1924 tại xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm; thuở nhỏ sống trong một gia đình nông dân, có nhiều anh em nên ông chỉ học được lớp ba trường làng, đến năm mười tám tuổi ông bắt đầu học nghề thợ mộc chuyên đóng các loại bàn, tủ, ghế kiểu xưa cho đến các loại hiện đại ngày nay; Ông tự đóng cả các cây đàn như: Ghita cổ nhạc, Ghita tân nhạc, Mandolin, Banjo (loại đàn đóng thùng giống mandolin nhưng bằng nhôm) mà năm 1950 khi tham gia hội chợ, đấu xão tại bờ hồ Trúc Giang - Bến Tre cả 4 cây đàn của ông đều được Ban tổ chức hội chợ Kermesse tặng giấy khen; lúc ấy có một phóng viên người Pháp hỏi ông đóng đàn mà có biết chơi đàn không? Ông nói biết và cầm đàn lên đánh, người phóng viên dùng máy quay phim (phim nhựa trắng đen) Ông để mang về tận bên Tây.

 

Cứ thế, cuộc đời người thợ mộc cứ quanh quẩn hàng ngày phải cưa, phải đục, phải bào suốt hơn ba mươi năm trôi qua để làm lụn kiếm miếng cơm manh áo nuôi vợ và 10 đứa con, nhưng trong đầu ông lúc nào cũng luôn suy nghĩ cái hay, cái mới; sáng tạo cho nghề nghiệp, cho đời, cho mọi người những sản phẩm tốt về chất lượng, đẹp về mẫu mã, mới về hình dáng; trong nhà ông lúc nào cũng có đầy đủ các dụng cụ cho công việc.

 

Cơ duyên nghề nghiệp: 

 

Đầu thập niên 60 vợ chồng ông Mai Văn Hầu quê tại xã Lương Quới, bà con cô cậu ruột cùng ông Võ Văn Bảo và ông Võ Văn Bang (Năm Bang) là chủ tịch Hiệp hội uốn tóc ở Sài gòn, có thẩm mỹ viện ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1- TP.HCM; ông Năm Bang là thợ uốn tóc và là người chuyên mài kềm cắt móng, kéo cắt tóc cho thợ tại đây. Đến năm 1969-1970 lượng kềm kéo mài ngày càng nhiều mà người ta phải đến nhà riêng của ông Năm Bang để mài. Cuối năm 1974 Ông làm không kịp cho khách, đặc biệt là mài kềm cắt móng tay cho phụ nữ; bởi vì lúc nầy cây kềm được nhập từ bên Pháp hay Đức quốc có ít, giá rất cao nên chỉ cứ mài tới mài lui để sử dụng kềm cũ thôi; Ông Năm Bang nói với Ông Tư Bảo: “Anh xem, nghiên cứu tự làm loại kềm giống như cây nầy được không? Vì mài nó hoài không còn cái mũi như xưa mà chỉ hàn gắn cái mũi khác rồi mài dùng tiếp thôi !”

 

Ông Tư Bảo dùng cây kềm cũ đục tháo ra xem, suy nghĩ phải có dung cụ nào để chế nó như khoan, đá mài… tìm cho đuợc loại vật liệu bén tốt, tương tự, một kim loại thích hợp làm kềm mà khi bấm nó không cong, không quẹo; đó là loại lò xo từ ghế các xe hơi, xe reep, có đường kính bằng chiết đũa; Ông rèn xong rồi dùng búa đập gò dần dần có hình dáng giống cây kềm, vừa với tầm tay, sau đó đục, dùng khoan để khoét, dùng đá mài quay tay mài bén để thành cây kềm cắt móng cho phụ nữ như ngày nay. Trong quá trình mằn mò Ông còn làm ra cái kéo răng để cắt tóc, kéo nhỏ cắt chỉ thêu, cái kéo cắt da khi làm móng; ngày cuối cùng để hoàn tất cây kềm cắt móng đầu tiên là ngày 25 tháng 4 năm 1975, đúng một tuần lễ sau thì Miền nam hoàn toàn giải phóng mà ông nhớ mãi không bao giờ quên. 

 

Tài không thắng thiên

 

Sau ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng Ông không làm kềm nữa; vì lúc nầy giới phụ nữ không còn dùng kềm để làm móng, rồi vài năm sau tiếp đến là thanh niên không để tóc dài nên cái kéo răng lược cũng không làm được nên ông bỏ hẳn luôn; từ đó ông quay lại nghề thợ mộc đóng đồ đạc và làm nhà dựng cửa.

 

Đến năm 1978, tại TP.HCM nhu cầu sử dụng cây kềm kéo có trở lại Ông tiếp tục làm mỗi ngày chừng 10-15 cây kềm kéo, vật liệu bây giờ không phải dễ tìm có cái lò xo trong xe mà ông bắt đầu thu mua từ các miểng bom; lên thành phố Hồ Chí Minh mua các mãnh phế liệu được tiện bỏ từ cái giò dĩa xe đạp; về phải rèn, mài, giũa nhỏ lại; xong 1-2 tuần chở lên Thành phố Hồ Chí Minh để mướn xi mạ bán cho các tiệm làm móng, uốn tóc; cuộc sống cũng đỡ hơn quần quật với nghề thợ mộc, suốt ngày phải cưa, phải đục, phải bào...

 

Sau nầy, mãi đến năm 1985 thời thế đã thay đổi, ông Tư Bảo nói: Tài  không thể thắng thiên; nghề làm kềm kéo làm trở lại được thì sức ông đã già, mắt đã kém, tay yếu, ông không làm được nữa. Hiện nay trong gia đình gồm con, rễ, cháu, chắt có gần 24 người nối nghiệp ông; mỗi ngày, mỗi người kiếm được trung bình khoảng 50.000 đồng; người con thứ ba là anh Võ Văn Thống được công ty Nguyễn Đình (Q.Bình Thạnh,TP.HCM) và cơ sở Anh Sơn (Q.4, TP.HCM) hợp đồng anh để chuyển giao công nghệ, người con thứ tư là Võ Văn Nhứt được công ty kềm Nghĩa thuê dạy lại tay nghề cho công nhân được trả lương cao, đứa con rễ thứ sáu có thành lập HTX để sản xuất và tiêu thụ kềm kéo, kể cả xuất khẩu nhưng cũng không thế nào cạnh tranh được với các công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù tại các xã Mỹ thạnh, Lương Hoà, Lương Quới huyện Giồng trôm đã có hơn 76 cơ sở, hơn 490 công nhân sản xuất kềm, hàng ngày làm các công đoạn thô sơ, sau đó chở lên giao hàng công ty kềm Nghĩa để làm lại công đoạn cuối là xi mạ, đóng bao bì xuất khẩu nhiều nước trên thế giới; chưa kể đến hàng ngàn công nhân nghề kềm các cơ sở khác có tại các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh.

 

Xu hướng phát triển cây kềm cắt móng 

 

Hiện nay, cây kềm cắt móng được sử dụng phổ biến, đặc biệt là do cách sử dụng kềm mỗi người mỗi cây để phòng ngừa lây nhiễm HIV nên tiêu thụ rất mạnh; nghề làm kềm cũng được nhiều nơi sản xuất, quy trình sản xuất được chia ra làm nhiều khâu, mỗi người một việc nhưng năng suất làm kềm đã tăng gấp 3-4 lần ngày xưa; tiền công được tính bằng từng công đoạn; công đoạn nào cũng rất quan trọng như: dập ra hình dáng, lăn trong đá mài tròn lại, khoan lỗ, đóng ráp thành cây kềm, tán ốc, dập cán cong lại, mài mũi bén nhọn, khoét lỗ, đóng chốt, mài bén, xi mạ, gắn lò xo; công đoạn nào cũng được làm bằng điện, có moteur nhưng đặc biệt mẫu mã cây kềm vẫn giống hệt cây kềm ông Tư Bảo làm bằng tay ngày xưa.

 

Ông Tư Bảo đã bước sang tuổi 84, già yếu, chỉ sống nhờ vào các con phụng dưỡng như mức sống của người thợ thủ công mà trước đây chỉ tay làm hàm nhai. Ông nói : Tôi ráng giữ gìn sức khỏe để sống hơn 100 tuổi, xem nghề kềm kéo nó phát triển đến đâu và con cháu mình có làm gì hơn để có ăn có mặc chớ bây giờ vẫn còn nghèo quá ! Năm nay tụi nó sẽ làm lễ ăn mừng thọ cho tôi và kỹ niệm 33 năm ngày có cây kềm đầu tiên. Tôi sẽ mời một số anh em đến chơi và kể chuyện cho họ nghe sự khéo léo, tỷ mỹ, cần mẫn, chịu khó của những người thợ thủ công thuở nhỏ hàn vi mà chúng tôi đã từng đi qua. 

 

Do tuổi cao, sức yếu, Ông Võ Văn Bảo (Ông Tư Bảo) sinh năm 1924 tại xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, ông tổ nghề kềm cắt móng tỉnh Bến Tre đã qua đời vào lúc 20 giờ 45 phút, ngày 17 tháng 7 năm 2009 (nhằm ngày 25/5 âl). 

 

Ngày nay, nhiều người trong nghề, như anh Trần Vĩnh Bảo- Giám đốc cty kềm ViBa hoặc anh Tuấn giám đốc công ty kềm Nghĩa và một số công ty khác cũng như một vài người thợ lâu năm trong nghề kềm vẫn có thói quen nhớ ngày đám giỗ bác Tư Bảo mà tụ họp về nơi chôn nhau cắt rún của bác Tư, mà ngày hôm nay con cháu của bác Tư Bảo đã xây cất lại mới căn nhà truyền thống của bác Tư thuở sinh thời làm thành NHÀ TỪ ĐƯỜNG cho dòng họ Võ. 

 

#Thái Bình-Kyluc.vn tổng hợp.

 

Vừa rồi, ngày 17/11/2017 Đoàn Teknails - Thuộc CÔNG TY CỔ PHẦN TEKNAILS có cuộc hành trình viếng thăm Từ Đường Ông Tổ nghề kềm nails Việt Nam. 

 

Teknails - Uống nước nhớ nguồn

 

Khởi hành lúc 6h sáng, chạy dọc quốc lộ 1A với quãng đường dài tầm 90 km từ Sài Gòn mất khoảng 2 giờ đồng hồ, đoàn Teknails chúng tôi gồm có 9 người đã có mặt tại Bến Tre vùng đất nổi tiếng quê hương xứ dừa.

 

 

Xưởng kềm của Cô con gái Ông Tư  - Nối tiếp nghề của Ba với đầy tâm huyết.

 

Những người con của Ông Tư đã đón tiếp đoàn rất ân cần và thân tình. 

 

Chân Dung Ông TRẦN VĨNH BẢO, người sáng lập ra các thương hiệu Kềm Viba, Kềm Teknails và Cổng công nghệ dành cho Cộng Đồng Nails trên toàn thế giới tặng Website miễn phí cho tất cả doanh nghiệp kinh doanh về Nails cùng các thợ làm Nails để xây dựng nhân hiệu cá nhân, quảng bá sản phẩm dịch vụ đến cộng đồng. 

 

 Video Clip tường thuật hành trình chuyến đi

 

 

 

Facebook